QĐND Online - Trong lúc Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đang nỗ lực cao độ để xử lý khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng ở các tỉnh ven biển miền Trung, những ngày qua, một số đối tượng xấu lại cố tình lôi kéo người dân, tìm cách “lái” sự việc sang hướng gắn với động cơ chính trị, từ đó mà kích động các cuộc tụ tập, tuần hành.
Những chuyện “bất thường”
Liên tiếp các ngày nghỉ cuối tuần gần đây, các đối tượng xấu “phát động” những chương trình được gọi là “xuống đường vì môi trường”, “chọn cá không chọn thép”. Trên nhiều trang mạng xã hội, những người này tung ra những chương trình đầy lời dụ dẫn ma mị, lừa phỉnh người dân, hô hào một cuộc “tổng biểu tình”, “xuống đường bảo vệ môi trường biển Việt Nam, bảo vệ sự sống cho chính chúng ta và gia đình”… Những âm mưu, luận điệu ấy không dừng ở chuyện môi trường mà còn dần “bẻ lái” sang nhằm vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cùng một số sự kiện khác. Họ hô hào, kích động tuần hành gắn với phản đối, tẩy chay bầu cử. Đây đó, còn có cả những “khuyến nghị” đòi môi trường sạch, “bầu cử minh bạch” bằng các tâm thư gửi ra nước ngoài, thỉnh cầu các nguyên thủ, nghị sĩ nước ngoài…
Ảnh minh họa/ TTXVN
Việt Nam là một quốc gia biển, mỗi ngày có hơn 2 triệu người dân làm ăn trên biển. Trước sự cố môi trường nghiêm trọng lần đầu xảy ra, lẽ đương nhiên những người dân yêu nước, yêu lao động, yêu môi trường phải bày tỏ sự lo lắng, bất an. Sự bức xúc, nghi ngờ, thái độ phản ứng gay gắt trước dấu hiệu sai phạm trong xả thải công nghiệp cũng là chính đáng. Thế nên, không phải không có những người suy nghĩ giản đơn rằng việc tuần hành, xuống đường vì môi trường là điều nên làm.
Song nếu nhìn rộng hơn, nghĩ sâu hơn thì những gì mới diễn ra không đơn giản như vậy. Trước hết hãy xem những người kêu gọi xuống đường nói gì, làm gì? Nếu vì môi trường thực sự thì tại sao phải đưa ra những khẩu hiệu như: “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, “dân cần chính quyền sạch”, “Hãy hành động trước khi mất nước”...Trắng trợn hơn, họ đổ lỗi câu chuyện môi trường là do thể chế, do sự lãnh đạo của Đảng; bịa đặt chính quyền “im lặng” trước hiểm họa, bao che lợi ích nước ngoài. Câu chuyện cá chết đã được lái sang vấn đề chính trị một cách đầy thâm hiểm mà mục đích không có gì khác là nhằm gây hoang mang, chia rẽ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Những cuộc tụ tập dưới khẩu hiệu “vì môi trường” đã bị nhuốm màu bởi những mưu đồ đen tối.
Hãy cảnh giác
Nhân đây, cũng phải nhắc lại sự việc mới là Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, đấu tranh, khai thác 2 đối tượng có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh để tán phát trên internet nhằm kích động người dân tuần hành. Trong đó, đối tượng Trương Minh Tam, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội khai nhận, đã tham gia phong trào "Con đường Việt Nam", thường thu thập thông tin các vụ việc "nhạy cảm" về chính trị để tán phát trên facebook "Con đường Việt Nam". Thực hiện chỉ đạo của số kẻ cầm đầu phong trào "Con đường Việt Nam", chiều 26-4-2016, Trương Minh Tam vào khu công nghiệp Formosa, Hà Tĩnh quay phim, chụp hình, phỏng vấn làm phóng sự, tán phát lên các trang mạng xấu để kích động người dân tụ tập, tuần hành. Tam còn khai thường xuyên được "Con đường Việt Nam" hỗ trợ, trả lương để hoạt động. Ngoài Tam, đối tượng Chu Mạnh Sơn trú ở Yên Thành, Nghệ An khi bị tạm giữ cũng khai nhận, Sơn được nhiều cá nhân, tổ chức phản động trong ngoài nước liên hệ, trong đó tổ chức phản động "Việt Tân" tại Mỹ lôi kéo; là thành viên nhóm "Việt Tân tương trợ" trên mạng xã hội facebook. Ngày 30-4-2016, Chu Mạnh Sơn cùng một số đối tượng đón xe khách vào Quảng Bình thu thập thông tin, hình ảnh quần chúng nhân dân tụ tập gửi cho các đối tượng để tán phát trên các trang mạng phản động nhằm xuyên tạc, gây kích động.
Đây không phải là lần đầu tiên âm mưu, thủ đoạn kích động tuần hành, tụ tập để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch bị phát hiện. Một báo cáo của cơ quan an ninh (Bộ Công an) cho biết: Từ năm 2005 đến nay, một số tổ chức NGO có liên quan trực tiếp tới dân chủ và “hoạt động lật đổ” như Quỹ Dân chủ quốc gia (NED), Viện Dân chủ quốc gia (IRI), Trung tâm đoàn kết lao động quốc tế Mỹ (ACILS), Viện quốc tế Đảng cộng hòa… đã vào Việt Nam nhằm “dựng lên các nhóm chính trị, tổ chức dân sự, các phong trào nhằm tạo dựng lực lượng chính trị trước các cuộc bầu cử, chuẩn bị cho việc xuống đường, biểu tình, tổng đình công… gây sức ép với Đảng và Chính phủ, tiến tới thay đổi chế độ XHCN ở Việt Nam”.
Theo cơ quan chức năng, tổ chức phản động Việt Tân và các tổ chức phản động khác từng đưa lực lượng từ Việt Nam sang Thái Lan, Ma-lai-xi-a huấn luyện về phương thức lật đổ theo kiểu “cách mạng màu”, “đấu tranh bất bạo động”. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, chúng từng mở 4 khóa huấn luyện cho hàng chục trí thức, sinh viên, hình thành các nhóm và chi bộ “Việt Tân” từ trước năm 2012. Trong đó, Hội dân oan chuyên móc nối, lôi kéo những người khiếu kiện, phát triển lực lượng ở các khu công nghiệp lớn. Các thế lực phản động cũng đã tổ chức nhiều đợt thu thập chữ ký vào thỉnh nguyện thư với qui mô lớn gửi chính quyền Mỹ. Từ sau Đại hội XI của Đảng, cơ quan công an đã thu được nhiều bằng chứng xác thực về âm mưu của Việt Tân và các tổ chức phản động lợi dụng các cuộc biểu tình “phản đối Trung Quốc” để tập dượt “cách mạng sắc màu” ở Việt Nam.
Thực tế đó cho thấy mỗi người dân cần cảnh giác, không nên chủ quan, vô hình trung tiếp tay cho những âm mưu đen tối ấy.
Những bài học chưa cũ
Nhân việc các trang mạng đang liên tục kích động “tổng biểu tình vì môi trường”, thiết nghĩ cần nhắc lại những gì đã diễn ra vào tháng 5-2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Thời điểm đó, lợi dụng sự bức xúc, lòng yêu nước của đồng bào cả nước, các tổ chức phản động đã lôi kéo người dân tụ tập, gây ra các cuộc tuần hành ở nhiều tỉnh, thành. Không dừng ở lại đó, dưới sự kích động của chúng, các cuộc tuần hành dần chuyển sang quá khích, đập phá tài sản, máy móc của các doanh nghiệp, thậm chí xảy ra nạn trộm cắp, hôi của. Đã xảy ra chết người, bị thương nhiều người, hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoạt động của một số doanh nghiệp bị gián đoạn, hàng nghìn lao động Việt Nam bị mất việc làm. Số tiền bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp rất lớn, chỉ riêng hãng bảo hiểm PVI đã phải chi trả đến hàng triệu USD. Sự việc còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam. Phải bằng nỗ lực, sự chủ động, tích cực của Đảng, Nhà nước ta trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp thiệt hại, tình hình mới ổn định trở lại. Các nhà đầu tư, các cơ quan ngoại giao và đại diện nhiều nước, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan… đã đánh giá cao cách xử lý tích cực, hiệu quả của Việt Nam.
Sự việc còn để lại nhiều bài học cay đắng đối với không ít người do chủ quan, đơn giản hoặc mù quáng nghe lời kẻ xấu kích động mà “nhúng chàm”. Như ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, 10 thanh niên trẻ, tuổi từ 17 đến 29 khi bị kích động đã gây rối, đập phá tài sản tại KCX Linh Trung II; thậm chí dùng gạch, đá, bom xăng ném và dùng xe mô-tô đâm các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ bị thương. Các đối tượng này đã bị xử phạt tù giam. Hay như tại Hà Tĩnh, sáng ngày 13-5-2014, các đối tượng Bùi Ngọc Cường (là công nhân nhà máy xử lý nước sạch thuộc Dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng) đã bàn bạc với Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thương và Bùi Ngọc Oanh đi tuần hành. Các đối tượng này đã in băng rôn, khẩu hiệu, dùng loa kích động đám đông tham gia tụ tập, gây rối trên công trường Formosa. Mặc dù các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng đã giải thích, ngăn cản và yêu cầu giải tán, nhưng các đối tượng vẫn không chấp hành, tiếp tục gây mất trật tự trị an, làm ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền tại khu vực nói trên và còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Sự việc đã khiến 3 công nhân nước ngoài thiệt mạng, hàng chục công nhân khác bị thương; nhiều vụ hôi của, trộm cắp xảy ra và nhiều công trình, nhà cửa, tài sản khác bị phá hủy. Sau đó, các đối tượng đã bị tòa án tuyên phạt 2 tội Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ theo điều 245 và điều 275 Bộ luật hình sự. Nhiều đối tượng đã phải trải qua những ngày đầy ăn năn, hối hận trong nhà giam. Đó là những câu chuyện đau lòng không thể lãng quên.
Trước những âm mưu, thủ đoạn lôi kéo người dân tụ tập, tuần hành hiện nay, chúng ta cần phải tỉnh táo, cảnh giác, đề cao trách nhiệm công dân, không tham gia, ủng hộ những lời kêu gọi, tiếp tay cho kẻ xấu, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng làm phức tạp tình hình nhằm phá hoại cuộc bầu cử hoặc gây ra các sự cố gây rối, phá hoại như cách đây 2 năm.
Tin rằng, kết quả các cuộc điều tra, xác minh sự cố môi trường hiện đang được triển khai khẩn trương sẽ sớm được công bố cùng những giải pháp khắc phục triệt để, xử lý nghiêm minh. Điều quan trọng lúc này là sự chung tay của cả cộng đồng, cùng chính quyền tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân ổn định sản xuất; đồng thuận để giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của mỗi người dân Việt Nam.
Thay cho lời kết, chúng tôi xin được trích một đoạn trong bài viết của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, được viết ngay sau khi xảy ra những vụ tuần hành, tụ tập gây rối vào tháng 5-2014: “Sức mạnh dân tộc bị suy yếu chỉ có lợi cho những người muốn thấy một nước Việt Nam yếu và chia rẽ. Đó là chưa kể một số kẻ mưu toan "đục nước béo cò", lợi dụng nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân để phục vụ cho những tính toán riêng của họ. Nói tóm lại, tình hình càng phức tạp chúng ta càng cần phải vận dụng nhuần nhuyễn những truyền thống, những bài học lớn đã thu lượm được trong suốt chiều dài lịch sử từ ngày Nhà nước Việt Nam mới ra đời đến nay. Dũng khí cần song hành với mưu lược, nhiệt huyết cần đi đôi với sự tỉnh táo, có trái tim nóng chưa đủ, mà cần có cái đầu lạnh”.
NGUYÊN MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét